Tầm quan trọng của tảo - Độ trong - Đĩa Sechi
Tảo là sinh vật phù du luôn có sẵn trong nước. Có nhiều loại tảo khác nhau, lợi có, hại có. Mật độ của tảo phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có thổ nhưỡng, thời tiết, chất lượng nước, lượng thức ăn, thậm chí cả con nuôi.
Trong ao tôm, tảo và vi sinh vật là nguồn sản sinh ra chất hữu cơ. Tảo hấp thu CO2, nước và ánh sáng mặt trời để tạo ra đường và giải phóng ôxy. Quá trình này được gọi là quá trình quang hợp.
Ánh nắng mặt trời + CO2+ H2O = Đường C6H12O6+ O2
Đường là nguồn dự trữ năng lượng và cơ chất nguyên sơ để thiên nhiên tổng hợp ra các chất hữu cơ khác. Mọi sự sống bắt đầu từ đây. Tảo là điểm đầu của chuỗi thức ăn trong tự nhiên.
Hô hấp là quá trình ngược với quang hợp. Tảo, sinh vật ...hấp thu ôxy để ôxy hóa đường, giải phóng năng lượng phục vụ cho hoạt động của cơ thể. Quá trình này tiêu thụ ôxy, giải phóng CO2.
Ban ngày, quá trình quang hợp xảy ra mạnh hơn quá trình hô hấp, nên ôxy sẽ gia tăng và CO2giảm đi, làm pH tăng. Ngược lại, ban đêm, quá trình quang hợp ngưng, nhưng hô hấp vẫn tiếp diễn nên ôxy giảm và CO2tăng, pH giảm. pH vì vậy thấp nhất vào sáng sớm và cao nhất vào lúc chiều tà.
Tảo rất nhỏ, thường có màu xanh lá hay xanh ngọc, xanh da trời, vàng, nâu, đỏ, thậm chí đen. Màu xanh của nước là màu của tảo. Tảo là thức ăn của động vật phù du. Động vật phù du và sinh vật phù du (tảo) hợp thành phiêu sinh vật, là thức ăn của tôm, cá. Tôm nhỏ sống nhờ ăn nguồn thức ăn tự nhiên này. Khi chết, tảo để lại chất hữu cơ, lắng xuống đáy ao, làm thức ăn cho vi sinh vật phát triển.
Đáy ao tập trung rất nhiều vi khuẩn, nấm, tảo và các loài động vật nhỏ, được gọi chung là sinh vật tầng đáy. Sinh vật tầng đáy vừa là thức ăn cho một số loài tôm cá, vừa có khả năng năng phân hủy phân, thức ăn thừa, chất thải... Nước tự sạch nhờ cơ chế trên. Tuy nhiên, nếu chất thải quá nhiều thì nước không thể tự phục hồi, nước sẽ bị ô nhiễm.
Tảo rất quan trọng. Tảo vừa là nguồn tạo thức ăn tự nhiên, vừa là nguồn tạo ra 90% ôxy cho nước vào ban ngày và là nguồn tiêu thụ ôxy trong nước lớn nhất vào ban đêm. Nếu thiếu tảo thì nguồn ôxy sẽ không đủ, thừa tảo thì ôxy có thể thiếu vào ban đêm. (Xem tảo và ôxy hòa tan trong nước)
Nước đục bởi các hạt đất màu rất bất lợi cho sự phát triển của tảo do ngăn ánh sáng khiến tảo không quang hợp được, do vậy phải làm trong nước trước khi gây tảo. Có nhiều loại hóa chất làm trong nước như phèn, vôi nhưng phèn làm nước chua còn vôi làm tăng độ pH. Vôi cũng có tính diệt khuẩn. Với các loại đất phèn thì nên kết hợp làm trong nước và khử chua bằng vôi. Tuy nhiên vôi rất khó hòa tan ở pH trên 8,3 và khi độ muối cao, nên tác dụng bị hạn chế. Ngày nay, ta có thể dùng các loại chất làm trong nước trên cơ sở các polyme.
Để tảo phát triển cần các dưỡng chất nitơ và phốt pho, nên phải rải các loại phân này trước khi thả giống để gây tảo, mà bà con ta quen gọi là tạo màu nước. Lượng phân tạt càng nhiều thì tảo càng nhiều, nguồn thức ăn tự nhiên càng dồi dào, nhưng chênh lệch ôxy hòa tan giữa ban ngày và ban đêm càng lớn. Nếu tảo bùng phát quá mạnh thì con nuôi có thể chậm lớn hay chết do thiếu ôxy. Tóm lại cần kiểm soát mật độ tảo sao cho đảm bảo nguồn ôxy hòa tan.
Cần thận trọng khi dùng phân bón NPK có chứa amonia. Amonia thừa sẽ gây hại cho tôm. Ngoài ra, tảo tạo bằng phân vô cơ rất dễ bị sụp.
Cách tạo tảo tốt nhất là bón cám. Rất khó đưa ra lượng cám tối đa chính xác cần thiết cho tảo phát triển, do đó người nuôi cần theo dõi chặt chẽ màu nước và độ trong để điều chỉnh lượng kịp thời.
Khi nước không bị đục bởi các hạt đất cát lơ lửng thì độ trong sẽ phản ánh mật độ tảo. Mật độ tảo tối ưu ứng với độ trong 30 - 35 cm đo bằng đĩa Secchi. Ở độ trong này, nước giàu dưỡng chất tự nhiên cho tôm, ôxy hòa tan đủ, và ánh sáng mặt trời không thể đến được tầng đáy nên cây cối và tảo độc không thể mọc được trong ao.
Một số ao bị đục, và nổi váng do các chất mùn chảy từ ngoài vào, điều này rất bất lợi.
Màu nước phản ánh chất lượng và mật độ tảo, do đó có thể nhận biết nước có tốt hay không nhờ kết hợp nhìn màu nước và độ trong đo bằng đĩa Secchi.
Tảo có thể chết đột ngột và thối rữa dẫn đến ôxy hòa tan giảm xuống thấp. Ôxy sẽ không tăng trở lại cho đến khi lớp tảo mới được gây lại. Thời tiết nắng ấm tạo điều kiện cho tảo lam phát triển, tạo thành các lớp váng trên mặt nước. Khi trời quá nóng, tảo lam sẽ chết. Do tảo lam chứa nhiều nitơ nên khi chết chúng sẽ tiêu thụ ôxy rất mạnh, làm nước thiếu ôxy, đồng thời sinh ra khí độc amôniac.
Một số tảo dạng sợi ở tầng nước đáy đôi khi nổi lên bề mặt và chết, làm giảm ôxy nghiêm trọng. |